“Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Từ xưa, phép lịch sự trên bàn ăn đã được ông bà ta xếp vào những kỹ năng phải học hàng đầu, vì bàn ăn chính là nơi bộc lộ rõ nhất tính cách con người, đặc biệt là trong giao tiếp kinh doanh.
Khi đi ăn ở nhà hàng sang trọng, phải đặt dao nĩa thế nào? Khi được mời dùng bữa thì nên ngồi ra sao?… Để luôn tạo được ấn tượng tốt với bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng, hãy ghi nhớ kỹ các quy tắc “vàng” trên bàn ăn để trở thành người thanh lịch!
-
Chú ý các quy tắc ngồi vào bàn trước khi dùng bữa
Nếu bạn là người được mời, hãy để người mời ngồi xuống trước. Hãy ngồi từ phía bên phải và đừng kéo ghế gây tiếng động. Bạn cũng nên chú ý để chủ bữa tiệc ngồi ở hai đầu bàn, những vị khách thân và quý nhất sẽ ngồi phía bên phải gia chủ. Nhân viên phục vụ sẽ đưa đồ ăn từ bên trái bạn và sẽ đứng dọn đồ thừa từ phía bên phải bàn.
Bạn đừng ăn trước nếu người mời tiệc hay gia chủ chưa bắt đầu. Dù đói đến mấy, việc ngồi vào bàn ăn khi chủ nhà hoặc chủ nhân tiệc chưa ngồi xuống đều rất bất nhã.
Khi dùng bữa ở nhà hàng sang trọng, hãy đặt khăn lên đùi và để lên ghế khi có việc phải rời bàn. Khi quay lại, hãy lật mặt khăn sạch lên để nhân viên phục vụ hiểu bạn vẫn đang dùng bữa.
Tìm hiểu thêm về 18 phép lịch sự trên bàn ăn không phải ai cũng biết
-
Hãy dùng bữa một cách thật nhã nhặn, từ tốn
Có những quy tắc tối thiểu khi dùng bữa bạn luôn nên ghi nhớ. Chẳng hạn: không gây ồn ào trên bàn ăn, không phát ra tiếng động khi ăn, không nói chuyện khi đang nhai nhồm nhoàm trong miệng… nhất là trước mặt những người mới gặp.
Luôn chú ý tư thế trên bàn ăn. Mọi người sẽ dễ bị khó chịu nếu suốt bữa ăn, bạn luôn ngồi xiên xẹo, cúi gằm vào bát, đũa gắp lia lịa… Tư thế chuẩn trong bàn ăn nên là lưng giữ thẳng, tay đặt trên bàn, đầu giữ ngang tầm mắt. Nếu bạn cần lấy đồ trên bàn, đừng vươn tay hay nhoài người mà hãy nhờ những người gần chỗ đó lấy giúp.
Khi ăn, nên giữ dao kéo, đũa thìa gần với miệng nhất. Đừng chìa khuỷu tay sang hai bên để tránh chạm vào người bên cạnh hoặc dễ làm đổ đồ ăn thức uống trên bàn. Hãy gắp miếng ăn từ phía ngoài đĩa và tránh gắp ngay miếng giữa đĩa. Khi ăn mỳ, bạn có thể dùng dao để cắt bớt cho sợi mỳ đỡ dài trước khi ăn, thay vì cứ chúi đầu hoặc mút lên tạo tiếng kêu.
Hãy ăn một cách từ tốn cho dù bạn đang đói đến đâu, vì bàn ăn không phải chiến trường. Ăn chậm rãi vừa tốt cho dạ dày, bạn cũng dễ no và ăn ít hơn.
-
Hiểu một số quy tắc đặt dao nĩa trên bàn tiệc
Để trở thành những thực khách lịch sự và văn minh, bạn hãy tìm hiểu và ghi nhớ một số quy tắc đặt dao nĩa trên bàn tiệc. Nếu dùng bữa theo phong cách châu Âu, bạn hãy chú ý:
– Nĩa đặt bên tay trái, dao đặt bên tay phải. Nếu món ăn có nhiều nĩa thì nĩa to dùng cho món chính, nĩa nhỏ cho món salad.
– Dùng dao bằng tay phải: Luôn để ngón trỏ của bạn trên sống dao, 4 ngón cầm quanh cán dao, chuôi dao chạm vào lòng bàn tay.
– Hãy cầm nĩa bằng tay trái, đưa răng nĩa quay ra ngoài nhưng úp xuống. Đặt ngón trỏ thẳng dọc theo cán nĩa, 4 ngón tay còn lại nắm quanh cán nĩa.
– Khi ăn, gập 2 cổ tay để chạm mũi dao và nĩa vào thức ăn, thả lỏng khuỷu tay nhưng đừng lên bàn, trừ khi bạn đạng dùng bữa với những người rất thân.
– Đừng cắt hết cả dĩa rồi mới ăn. Mỗi lần chỉ nên cắt thức ăn thành một hoặc hai miếng nhỏ, rồi dùng nĩa đưa vào miệng. Giữ đầu nĩa cúi xuống, lưng nĩa cong lên. Với thức ăn vụn như cơm, có thể dùng nĩa để xúc thay vì cắm.
Còn nếu dùng bữa theo kiểu Mỹ, bạn hãy nhấn và giữ nĩa trong khi cắt. Vì người Mỹ cầm nĩa giống như cầm bút, chủ yếu dựa vào ngón cái và ngón trỏ. Ngón giữa và ngón cái giữ cán nĩa, còn ngón trỏ nằm trên cùng. Tay bạn gập lại cho mũi nĩa hướng xuống thức ăn. Chỉ cầm dao lên khi cắt và dùng dao bằng tay phải.
– Cắt xong, đặt dao xuống mép đĩa và chuyển sang cầm nĩa bằng tay phải, mũi nĩa hướng lên. Không để nĩa xuống bàn. Khi không dùng, bạn đặt nĩa xuống mép đĩa, mũi nĩa hướng vào lòng đĩa.
Tìm hiểu thêm về 18 phép lịch sự trên bàn ăn không phải ai cũng biết
-
Đừng chỉ làm việc riêng trên bàn tiệc mà lơ là xung quanh
Dù bận đến đâu, bạn cũng đừng cắm cúi vào điện thoại mà phải luôn nhớ thể hiện phép lịch sự và tôn trọng với những người đang ăn cùng mình. Hãy tập trung vào bữa ăn, chia sẻ về những câu chuyện quanh bàn tiệc và kết nối với mọi người. Hãy luôn hướng về người đang nói để thể hiện sự tôn trọng, đừng cắt lời mà hãy để họ nói xong rồi mới đưa ra ý kiến.
Nếu phải nhận một cuộc điện thoại gấp, bạn đừng quên xin lỗi trước khi tạm rời bàn tiệc, và hãy trở lại ngay khi xong việc.
Bạn cũng đừng chỉ lo ăn mà quên giao tiếp với người khác. Mục đích chính của một bữa tiệc đông người không nằm ở việc lấp đầy dạ dày, mà là nơi lý tưởng để kết nối các mối quan hệ. Tuy nhiên, bạn nên tránh đề cập những đề tài gây tranh cãi như chính trị hay tôn giáo, mà nên thủ sẵn một vài mẩu chuyện hài hước để tạo ấn tượng tốt.
Ngoài ra, dù các chị em phụ nữ thường thích dặm lại phấn son sau khi dùng bữa, nhưng bạn chỉ nên dặm trang điểm trong nhà vệ sinh. Đừng ngồi kiểm tra tóc tai hay lớp trang điểm ngay tại bàn ăn, bạn sẽ đánh mất nhiều điểm thanh lịch đấy.
Sẽ rất bất lịch sự nếu liên tục dùng điện thoại trên bữa ăn, một “vấn nạn” của đời sống hiện đại
Những bữa ăn, đặc biệt là những bữa tiệc giao tiếp trong kinh doanh rất cần đến những quy tắc ứng xử chuẩn mực để ghi điểm trong mắt đối tác.
Qua bài viết, hy vọng bạn đã nắm được những phép lịch sự trong giao tiếp trên bàn tiệc và mở ra nhiều cơ hội kết nối thành công trong tương lai.
Tham khảo thêm những bài viết về phép lịch sự trong giao tiếp của GINA: https://gina.vn/blogs/
—————————
GINA ACADEMY – Học viện hàng đầu về đào tạo và xây dựng phong cách doanh nhân.
Hotline: 090 808 82 82
Website: https://gina.vn/
Email: ginaacdemy.vn@gmail.com
Địa chỉ: 66-68 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
#GinaAcademy #phongcachdoanhnhan #xuhuong #fyp